You are currently viewing DESIGN THINKING VÀ CÁC BƯỚC THỰC HIỆN

DESIGN THINKING VÀ CÁC BƯỚC THỰC HIỆN

Xin chào các bạn đã quay trở lại. Trong bài trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu về Design Thinking, định nghĩa và tầm quan trọng của nó trong cuộc sống chúng ta.

Bài hôm nay, mình sẽ chia sẻ với các bạn các bước đơn giản để thực hiện Design Thinking nhé. Nào, hãy cùng khám phá thôi.

Tổng quan về các bước thực hiện

Xem thêm: Design Thinking và những điều có thể bạn chưa biết

1. Empathize – Thấu cảm

Ngày trước khi học về tâm lý, bài học đầu tiên mà mình được học đó là sự thấu cảm. Thấu cảm khác với đồng cảm. Đồng cảm giống như khi người mà bạn yêu quý chịu một vết thương, bạn nhìn vết thương và biết vết thương đó rất đau. Còn thấu cảm là khi người bạn yêu quý chịu một vết thương, bạn cũng đau cùng vết thương với người đó, cảm giác đau đớn của người đó cũng chính là cảm giác của bạn. Mình hay nghĩ, người có thể đồng cảm với bạn thì đó là bạn bè, còn người có thể thấu cảm với bạn thì đó là người yêu thương bạn thật lòng.

Đừng coi thường vì thấu cảm chính là trái tim của Tư Duy Thiết Kế.

Để thấu cảm bạn phải đặt bản thân mình vào vị trí của khách hàng, hiểu được ‘nỗi đau’ và nhu cầu của khách hàng. Bạn quan sát xung quanh và xem những người khác giải quyết những vấn đề đó như thế nào và tổng hợp lại thông tin thông qua quá trình quan sát, phỏng vấn. Quan sát xem trong môi trường của khách hàng đang có điều gì không ổn, tương tác với khách hàng để tìm ra được vấn đề.

2. Define – Xác định vấn đề

Dựa vào những thông tin đã có, bạn cần phải xác định thật chính xác vấn đề, chỉ khi xác định được đúng vấn đề thì mới có thể tìm ra được giải pháp hợp lý giải quyết vấn đề đó.

Nhiều khi vấn đề không hề khó giải quyết nhưng chúng ta lại hay mắc lỗi khi chúng ta quá chú trọng đến giải pháp mà không xác định được đúng vấn đề, từ đó mà tạo nên những giải pháp không hiệu quả rồi cái kết cuối cùng nhận được là sự hối hận và thất bại. Chính vì thế xác định được vấn đề còn quan trọng hơn cả đưa ra giải pháp. Bạn có thể tìm hiểu về công cụ Problem Statement sẽ giúp bạn xác định được đúng vấn đề mình đang mắc phải.

Xem thêm: Manga One Piece và một góc nhìn về hành trình khởi nghiệp

3. Ideate – Xây dựng ý tưởng

Khi đã xác định được đúng vấn đề thì điều tiếp theo là phải lên ý tưởng để giải quyết được vấn đề đó thông qua việc tích hợp các ý tưởng từ nhiều nguồn và nhiều nhóm.

Muốn có được một ý tưởng tốt thì trước hết bạn phải có thật nhiều ý tưởng. Trong giai đoạn đầu của quá trình xây dựng ý tưởng thì số lượng ý tưởng còn quan trọng hơn cả chất lượng. Hãy đảm bảo là bạn có được thật nhiều ý tưởng và đừng phán xét ý tưởng đó là tốt hay xấu vì ý tưởng chính là hạt giống của giải pháp. Chẳng phải nhân loại cũng đã từng được chứng kiến thật nhiều những ý tưởng điên rổ đạt được thành công đó sao. 

Những công cụ để tạo lập nên ý tưởng mà bạn có thể tham khảo: Brainstorm, Mind Map, Sketch,…

4. Prototype – Xây dựng nguyên mẫu

Từ những ý tưởng đã tổng hợp được, triển khai thành thực tế để hình thành sản phẩm và dịch vụ, hiện thực hóa ý tưởng để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng với chi phí thấp.

Có câu ‘Trăm nghe không bằng một thấy’, những ý tưởng dù tốt đến mấy thì sẽ vẫn nằm trên giấy nếu bạn không làm nó. Bạn có thể phác thảo nó, tạo lập nên những khung sườn hay bản nháp để có được cái nhìn tổng quan về ý tưởng. Sử dụng mô hình Canvas để triển khai ý tưởng là một công cụ mà tôi muốn giới thiệu với bạn đó.

Xem thêm: Câu chuyện ra đời Hana Group

5. Test – Thử nghiệm ý tưởng

Thử nghiệm để xác định tính thực tế và hữu dụng của sản phẩm, từ đó kịp thờiphát hiện ra những nỗi đau mới và tìm cách giải quyết chúng.

Mọi giả định đều phải được thử nghiệm

Những thử nghiệm nên được thực hiện sớm và thường xuyên từ đó quyết định đầu tư vào ý tưởng/giải pháp thực sự mang đến giá trị cho khách hàng. Ban có thể tìm hiểu và sử dụng các công cụ như Heatmap, Focus Group hay A/B Testing để thực nghiệm những ý tưởng của mình.

Trên đây là 5 bước quan trọng để hình thành nên một Tư Duy Thiết Kế. Tuy nhiên, việc phân bổ nguồn lực cho từng bước lại là một bài toán quan trọng không kém.

Thực hiện theo phương pháp 80/20. Trong đó:

80% nguồn lực bạn nên dành cho bước 1 đến bước 3

20% còn lại cho bước 4 và 5.

Mình tin là bạn sẽ không ngạc nhiên về điều này vì những bước chân đầu tiên thì vô cùng quan trọng. Hãy cứ thử tưởng tượng nếu bạn cứ tập trung vào bước 4 và 5 trong khi không hiểu được nỗi đau khách hàng, xác định sai vấn đề và trong đầu cũng chẳng có một ý tưởng nào để giải quyết thì mọi chuyện sẽ tồi tệ đến mức nào.

Mình đã chia sẻ cho bạn 5 bước để thực hành Design Thinking nhưng chẳng có điều gì là dễ dàng cả, mọi thứ luôn có những rào cản nhất định của nó. Sự phân chia phòng ban trong những doanh nghiệp lớn hay văn hóa sợ sai, sợ thất bại và chủ nghĩa hoàn hảo sẽ là những rào cản lớn mà bạn cần phải vượt qua. Và đừng quên trong một thời đại phát triển mạnh mẽ như bây giờ thì việc củng cố kiến thức thông qua học tập và đọc sách cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hãy nỗ lực rèn luyện rồi thì một ngày bạn sẽ phải ngạc nhiên về chính mình đấy.

Trong bài tiếp theo, mình sẽ chia sẻ sâu hơn về những ứng dụng của Design Thinking trong công việc bạn nhé. Hẹn gặp lại bạn trong bài học sắp tới.

Xem tiếp: Design Thinking – Ứng dụng thực tế

Trả lời